Hội đồng gia tộc họ Lê tổ chức hội nghị quyết định xem xét một việc quan trọng: “Lê Nin là người Việt Nam hay Lê Nin là người Nga?”
Trưởng họ đứng lên hắng giọng:
– Con cháu chúng ta sống trên đời phải có chính kiến lý lẽ, nhưng lý lẽ cũng phải đặt quyền lợi của quốc gia, dòng tộc lên trên, thiểu số phải phục tùng đa số.
– Để mang tính khách quan, chúng ta sẽ biểu quyết vấn đề này một cách tập trung dân chủ!
– Giờ tôi hỏi, ai cho rằng Lê Nin là người Việt Nam thì giơ tay biểu quyết!
Có người lớn tiếng:
– Lê Nin mang họ Lê giống chúng ta, nhất định là người Việt Nam.
Cả hội trường vỗ tay tán thưởng, giơ tay biểu quyết!
Trưởng họ gật gù hài lòng, rồi hỏi tiếp:
– Thế ai nghĩ Lê Nin là người Nga?
Chỉ có một mình lão Nhất – ông già từng đọc qua sách vở, từng học Chủ nghĩa Mác-Lênin ở trường gì đó trên huyện – rụt rè giơ tay.
Trưởng họ nhìn lão Nhất đầy thương hại:
– Lão Nhất, ông không thấy sao? Cả họ ta đều khẳng định Lê Nin là người Việt Nam, sao ông lại bảo ông ấy là người Nga, chẳng lẽ ông lại cho rằng mình khôn hơn cả họ à?
Lão Nhất thở dài, bất lực:
– Nhưng sự thật Lê Nin là người Nga!
Trưởng họ lại hắng giọng:
– Lão Nhất, cả họ ta biểu quyết xong, gia pháp đã ghi “thiểu số phục tùng đa số”, hội đồng gia tộc quyết định sao thì sự thật chính là vậy! Lẽ nào lão định chống lại cả gia tộc?
Hội trường xôn xao, có người còn thì thầm:
– Lão Nhất đúng là bảo thủ, chắc đã già nên lú lẫn rồi!
– Đúng thế, trí tuệ tập thể là quan trọng nhất!
Cuối cùng, trưởng họ trịnh trọng tuyên bố:
– Biểu quyết xong, nhất trí 100%! Từ nay, sự thật chính thức Lê Nin là người Việt Nam! Ai nói khác đi là chống lại cả gia tộc, chống lại nguyên tắc biểu quyết dân chủ và chống lại sự thật!
Lão Nhất lắc đầu ngao ngán. Nhưng ông biết rằng, khi sự thật được quyết định bằng biểu quyết, thì sự thật không còn là sự thật nữa…