Chén trà nhạt và bài học sâu sắc

Có một người tên Nhất, từ nhỏ đã sống trong nghèo khổ. Mồ côi cha mẹ, anh lang thang khắp nơi làm thuê, bị khinh thường, bị sai bảo như một kẻ thấp hèn, chưa từng mưu tính  hay mơ ước điều gì lớn cho bản thân. Người trong làng gọi anh là “Nhất ngây”, không phải vì anh ngây dại, mà vì anh chưa từng phản biện, thanh minh hay oán trách; ai đối xử thế nào anh vẫn kham nhẫn cười cho qua chuyện.

Một ngày nọ, làng của Nhất có vị Quan đại thần từ kinh thành ghé thăm. Quan thích trà ngon, lệnh cho Lý trưởng của làng dâng lên loại trà thượng hạng nhất. Lý trưởng sai các thuộc hạ pha trà, nhưng không ai làm vừa ý quan, vì trà quá đặc mà vị nhạt lại còn quá nóng.

Thấy vậy, Nhất khẽ cúi đầu đi đến cất lời: “Thưa quan, nếu như quan cho phép, tôi xin pha một chén trà”.

Dân làng cười ồ. Một kẻ bần hàn như hắn, liệu có hiểu gì về trà đạo?

Tất cả mọi người đều chờ đợi chén trà mà Nhất dâng lên, họ háo hức. Háo hức không phải vì muốn Nhất pha trà ngon cho quan, mà là mong chờ anh ta bị quan trách phạt.

Nhưng khi Nhất dâng chén trà lên, quan đại thần chỉ nhấp một ngụm, rồi lặng người đi hồi lâu.

Ông đặt chén trà xuống, khẽ hỏi: Ngươi học được cách pha trà này từ đâu?

Nhất đáp: Thưa quan, tôi chỉ dùng nước suối đầu nguồn, trà phơi đúng sương, pha trong chén đất cũ. Mọi thứ đều nhạt, nhưng nhờ nhạt mà giữ được vị tinh tế của trà.

Quan lại hỏi: “Thế thì tại sao người biết lấy nước suối đầu nguồn, lại còn pha trong chén đất cũ?’’

Nhất đáp: “Bẩm quan, tôi là kẻ thấp kém, nào dám mong cầu được thưởng thức vị ngon hay sơn hào hải vị. Vì tôi ngày nào cũng lên núi gánh nước cho Lý trưởng, khi khát nước, tôi bèn pha trà uống theo cách này. Tôi dâng lên quan chỉ là tất cả những gì tôi biết mà thôi.”

Quan nhìn sâu vào mắt Nhất, rồi chợt cười lớn: “Người hiểu được đạo lý này, không thể chỉ là một kẻ làm thuê!”

Nhất cúi đầu, không đáp!

Quan đại thần lặng lẽ cầm chén trà, ánh mắt dường như nhìn thấu một điều gì đó xa xăm. Ông không nói thêm lời nào, chỉ nhắm mắt lại, để hương trà lan tỏa trong khoang miệng, trong tâm trí.

Dân làng im lặng, bỗng có người khe khẽ thở dài. Cả đời họ mải mê tìm kiếm những thứ đậm đà, nồng nàn, những thứ khiến người ta phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng hôm nay, một chén trà nhạt lại làm quan đại thần trầm ngâm đến vậy.

Quan đại thần đặt chén xuống, khẽ mỉm cười: Cuộc đời cũng như chén trà này, nhạt mà không vô vị, tĩnh lặng mà không vô nghĩa. Người ta cứ mải chạy theo những hương vị đậm đà, mà quên rằng sự thanh đạm mới là thứ nuôi dưỡng tâm hồn.

Ông nhìn Nhất, giọng chậm rãi: Ngươi đã thấu hiểu điều này, vậy sao vẫn cam chịu thân phận hèn mọn?

Nhất cúi đầu, chậm rãi đáp: Bẩm quan, nước trà ngon không nằm ở ấm trà sang hay chén ngọc quý. Nó chỉ cần nước sạch, lửa vừa và người biết thưởng thức. Thân phận tôi có là gì, cũng không quan trọng. Quan đã uống trà của tôi, tức là đã hiểu lòng tôi.

Quan đại thần bật cười lớn, ánh mắt hiện lên sự tán thưởng. Ông không nói gì thêm, nhưng từ hôm ấy, Nhất không còn bị gọi là “Nhất ngây” nữa. Người trong làng bắt đầu lặng lẽ suy ngẫm về chén trà nhạt mà anh đã pha. Có kẻ bắt đầu bớt đi những lời sân si cay nghiệt, có người học cách trân trọng những điều giản dị.

Về sau, Nhất rời làng đi và củng chẳng còn ai nhớ rõ số phận anh ra sao. Có người nói rằng, Quan đại thần đã điều anh về kinh để pha trà cho ông nhưng Nhất đã bỏ đi để tìm một nơi bình yên mới!

Suy nghĩ:

Cảm ngộ về nhân sinh là sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời, về bản chất con người và những quy luật vận hành của thế gian. Đó không phải là những tri thức được học từ sách vở, mà là sự giác ngộ đến từ trải nghiệm, từ những vui buồn, mất mát, thăng trầm trong cuộc đời.

Khi con người cảm ngộ nhân sinh, họ không còn chạy theo những ảo vọng phù du, không còn vướng bận vào những tranh chấp hơn thua. Họ hiểu rằng vạn vật trên đời đều có nhân duyên, có hợp rồi tan, có thịnh rồi suy.

Sự giàu sang hay nghèo khó, thành công hay thất bại, yêu thương hay mất mát, tất cả chỉ là một phần của dòng chảy cuộc đời. Chỉ có cảm ngộ được nhân sinh mới giúp con người sống bình thản hơn, trân trọng những gì mình có, chấp nhận những gì không thể thay đổi và buông bỏ những gì không còn thuộc về mình.

Đó là khi một chén trà nhạt không còn đơn thuần là trà, mà trở thành sự phản chiếu của tâm hồn, nhẹ nhàng, thanh đạm, nhưng sâu lắng đến tận cùng.

Nguồn: vandieuhay.net

Bài viết liên quan
Tư vấn